Doanh thu loi nhuan gop -SAP

SAP – Lịch sử 50 năm

Vào đầu những năm 1970, Xerox đề nghị IBM giúp đỡ chuyển đổi hệ thống kinh doanh sang công nghệ của IBM. 5 kỹ sư người Đức từ phòng nghiên cứu trí thông minh nhân tạo (AI) của IBM được chỉ định tham gia dự án này, tuy nhiên sau đó họ đã bị điều sang dự án khác. Do nhận thấy tiềm năng từ dự án trên, 5 kỹ sư đã rời IBM và thành lập System Analysis and Program Development, hay SAP, vào năm 1972. Những kỹ sư này là ông Dietmar Hopp, Hans-Werner Hector, Hasso Plattner, Klaus Tschira, Claus Wellenreuther.

Sản phẩm đầu tiên của SAP là công nghệ theo dõi nhân viên bằng thẻ đục lỗ. IBM là công ty hàng đầu trong ngành này, vì vậy 5 kỹ sư đã khá quen thuộc với thẻ đục lỗ và điểm mạnh cũng như điểm yếu của chúng. Hệ thống thẻ đục lỗ của IBM lưu trữ dữ liệu một cách vật lý. Nhân viên công ty sau đó phải xử lý dữ liệu trên một cách thủ công.

Khác với IBM, SAP xây dựng hệ thống điện tử nhằm xử lý thông tin từ thẻ đục lỗ, sau đó tự động lưu trữ dữ liệu này vào một cơ sở dữ liệu chung cho doanh nghiệp. Hệ thống này được SAP đặt tên là RF (R trong từ “thời gian thực – realtime”). Nhờ có hệ thống của SAP, mọi phòng ban trong một doanh nghiệp đều có thể dễ dàng tiếp cận với dữ liệu cần thiết.

Tuy nhiên, hệ thống của SAP cũng yêu cầu doanh nghiệp phải duy trì một cơ sở dữ liệu. Vào những năm 1970, không phải công ty nào cũng có điều kiện và khả năng tiếp cận, vận hành một cơ sở dữ liệu. Vì vậy, ngoài bán hệ thống quản trị, SAP còn cung cấp dịch vụ bảo trì và nâng cấp thường xuyên. Vào năm 1973, SAP nâng cấp hệ thống RF, và đổi tên thành SAP R/1. Khách hàng đầu tiên của SAP là một công ty hóa chất tại Đức.

Phù hợp với mọi doanh nghiệp

Theo kênh Youtube LogicallyAnswered, hiện nay, SAP đang cung cấp 309 sản phẩm, có thể chia làm 5 nhóm chính, bao gồm SAP ERP, SAP S/4 HANA, SAP S/4 HANA Cloud, SAP Business One và SAP Business ByDesign.

SAP ERP hay SAP Enterprise Resource Planning là sản phẩm cốt lõi của công ty, giúp giải quyết gần như mọi yêu cầu của doanh nghiệp. SAP ERP bao gồm những phần mềm quản lý chuỗi cung ứng, vòng đời sản phẩm, nhân lực, tài chính, quan hệ khách hàng.

Ví dụ, phần mềm quản lý chuỗi cung ứng giúp các công ty theo dõi hàng tồn kho, phân tích nhu cầu, tạo ra các dự báo về yêu cầu cung ứng, quản lý logistics.

Tương tự, phần mềm quản lý tài chính giúp người dùng dễ dàng theo dõi chi tiêu, tính thuế, quản lý tài sản và đảm bảo rằng bạn tuân thủ các quy định của chính phủ.

Nhóm sản phẩm phổ biến thứ hai của SAP là S/4 HANA. SAP ra mắt S/4 HANA vào năm 2015, hướng đến đối tượng là tập đoàn lớn. S/4 HANA có thể được coi như phiên bản nâng cấp của ERP. Tuy nhiên, do độ phức tạp, S/4 HANA cần đến nhiều nhân viên công nghệ thông tin để vận hành. Do vậy, không phải tập đoàn lớn nào cũng có đủ nhân lực để sử dụng hiệu quả S/4 HANA.

Với những doanh nghiệp không muốn bộ máy trở nên cồng kềnh, SAP có sản phẩm S/4 HANA Cloud – phiên bản chạy trên đám mây của S/4 HANA. Thay vì sử dụng cơ sở hạ tầng và dữ liệu của doanh nghiệp, S/4 HANA Cloud có thể được triển khai trên AWS (dịch vụ đám mây của Amazon) hay Azure (dịch vụ đám mây của Microsoft).

Hai nhóm sản phẩm còn lại của SAP là Business One và Business ByDesign. Hai sản phẩm này hướng tới những doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn. Business One phù hợp với công ty có không quá 350 nhân viên, trong khi Business ByDesign dành cho doanh nghiệp có từ 250 đến 1.500 nhân viên.

Nhìn chung, các sản phẩm của SAP đáp ứng mọi nhu cầu của doanh nghiệp, phù hợp với mọi quy mô. Do vậy, không quá ngạc nhiên khi SAP trở nên thống trị trong ngành công nghiệp này.

Chi phí đắt đỏ

Đa số các sản phẩm của SAP đều không có giá cụ thể mà tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp. Theo Brightworkresearch, để sử dụng khoảng 1 đến 2 TB, doanh nghiệp sẽ phải trả phí bản quyền là 6,2 triệu USD và phí bảo trì hàng năm là 1,24 triệu USD. Các doanh nghiệp lớn hơn có thể phải trả một khoản phí bản quyền lên tới hàng chục triệu USD, và phí bảo trì hàng triệu USD.

Để triển khai phần mềm của SAP, doanh nghiệp cũng cần đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Hiện tại, Apple đang tuyển dụng 59 nhân viên cho các vị trí có liên quan đến SAP, Google cần 16 nhân viên, còn Amazon là 11.

Để duy trì hệ thống quản trị doanh nghiệp, các tập đoàn lớn có thể cần đến vài trăm, hoặc thậm chí cả nghìn nhân viên. Đồng thời, lương của nhân viên vận hành, thiết kế hệ thống quản trị của SAP tương đối cao. Doanh nghiệp có thể mất cả trăm triệu USD chỉ để trả lương cho các vị trí này.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không có lựa chọn nào khác. Ngoài SAP, doanh nghiệp chỉ có thể sử dụng sản phẩm của Oracle, hoặc tự phát triển hệ thống nội bộ của mình. Việc tự phát triển một hệ thống có công năng tương tự như các sản phẩm của SAP sẽ là vô cùng đắt đỏ.

Doanh thu đến từ hỗ trợ phần mềm

Tỷ trong doanh thu - SAP

Trong năm tài chính 2022, SAP thu về tổng doanh thu là 30,9 tỷ EUR. Trong đó, mảng đám mây (các sản phẩm như S/4 HANA Cloud), mang về cho tập đoàn 12,6 tỷ EUR. Mảng bản quyền và hỗ trợ phần mềm đem lại doanh số gần 14 tỷ EUR. Ngoài ra, mảng dịch vụ đem về cho công ty gần 4,4 tỷ EUR.

Chỉ riêng hoạt động hỗ trợ phần mềm đã mang lại cho SAP 11,9 tỷ EUR trong năm ngoái, tức chiếm hơn 1/3 tổng doanh thu của tập đoàn. Nhiều doanh nghiệp công nghệ cũng đang chuyển sang mô hình tương tự, cung cấp phần mềm như một dịch vụ (SaaS), thay vì tìm kiếm doanh thu từ bản quyền.

Hàng năm, SAP cũng dành ra hàng tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển. Trong năm 2022, công ty đã chi tới hơn 6 tỷ EUR cho công tác nghiên cứu và phát triển, gần 9 tỷ EUR hoạt động bán hàng và tiếp thị, 2 tỷ EUR cho hoạt động quản lý. Cộng với chi phí doanh thu gần 9 tỷ USD, công ty đạt lợi nhuận hoạt động là 4,7 tỷ EUR.

Nguồn: Vietnambiz

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *